Sơn tĩnh điện là gì ?
Sơn tĩnh điện là nguyên vật liệu dùng để sơn phủ lên bề mặt sản phẩm, được dùng để hoàn thiện quá trình sản xuất sản phẩm trước khi đưa vào sử dụng. Sơn tĩnh điện được sử dụng trên nhiều sản phẩm, bạn có thể dễ dàng tìm được những sản phẩm có sử dụng sơn tĩnh điện ở xung quanh bạn, trong môi trường làm việc hay trong chính ngôi nhà của bạn đang ở. Sơn tĩnh điện chiếm trên 15% tổng thị trường trong số các nguyên vật liệu hoàn thiện công nghiệp, được sử dụng trên hàng loạt sản phẩm. Sơn tĩnh điện đang là lựa chọn hàng đầu và xu hướng ngày càng tăng bởi chất lượng sơn tĩnh điện mang lại cho ngành sản xuất. Chất lượng sản phẩm được đảm bảo hơn, độ bền được nâng cao về mặt thời gian sử dụng hơn, nâng cao được năng suất lao động và góp phần bảo vệ môi trường sống của con người.
Đặc điểm của sơn tĩnh điện
-
Cấu tạo từ các thành phần: nhựa polymer, curatives, bột màu, chất làm đều màu, và một số chất phụ gia khác.
-
Sơn tĩnh điện được tạo ra nhờ quá trình nóng chảy hỗn hợp các thành phần sau đó làm mát và được nghiền ra thành bột dạng mịn, một hỗn hợp đồng nhất. Khi sử dụng thì dùng kết hợp với dụng cụ phun sơn, phun sơn bột theo phương pháp tĩnh điện trên bề mặt các sản phẩm tạo thành một lớp sơn tĩnh điện mịn, đồng nhất có liên kết với nhau hoàn hảo để bảo vệ sản phẩm một cách tuyệt đối.
-
Loại sơn tĩnh điện thì thường được dùng để phun lên bề mặt các vật liệu bằng kim loại là chủ yếu và một số ít những vật liệu phi kim loại như nhựa, Fiberboard trung bình. Tuy nhiên độ bền tốt nhất mà sơn tĩnh điện mang lại là trên bề mặt kim loại bởi trên bề mặt kim loại thì các liên kết được tạo ra bền vững hơn, do đó sản phẩm bền hơn.
Xem thêm: Những điều cần biết về tĩnh điện trong công nghiệp
Phân loại sơn tĩnh điện
Sơn tĩnh điện là loại sơn dạng bột có 4 loại phổ biến là bóng (gloss), mờ (matt), cát (texture), nhăn (wrinkle). Sơn tĩnh điện cũng được phân ra loại sơn trong nhà và sơn ngoài trời.
Nguyên lý hoạt động của sơn tĩnh điện
1. Dây chuyền sơn tĩnh điện dạng bột.
Dụng cụ chính trong dây chuyền phun sơn đó là súng phun và bộ điều khiển tự động, các bộ phận khác như phòng phun và phòng thu hồi bột sơn thừa; phòng hấp bằng vật liệu sau khi phun bằng tia hồng ngoại tuyến (trong phòng có thiết bị tự động để điều khiển quá trình hấp). Máy nén khí, máy tách ẩm khí nén… Các bồn chứa hóa chất để xử lý bề mặt sản phẩm trước khi đưa vào phun sơn, các loại bồn này thường được chế tạo từ vật liệu composite.
2. Các vật liệu thích hợp để phun sơn tĩnh điện
Những vật liệu thích hợp để phun sơn bằng công nghệ này đó chính là những vật liệu bằng kim loại: thép, sắt, kẽm, nhôm,… Sơn tĩnh điện được dùng để sơn phủ bề mặt trên nhiều sản phẩm có lợi về thương mại cho các sản phẩm, cũng như tạo ra độ bền cho sản phẩm.
3. Quá trình phun sơn tĩnh điện
Sơn tĩnh điện thì khá nhanh bởi có nhiều phương tiện hỗ trợ, tuy nhiên cũng có nhiều bước thực hiện quy trình này. Trước tiên cần xử lý bề mặt sản phẩm cần sơn, làm nóng sản phẩm cần sơn đến nhiệt độ nhất định sau đó phun sơn bột tĩnh điện lên bề mặt sản phẩm, khi đó bột sơn tĩnh điện sẽ nóng chảy ra và tạo thành một lớp bề mặt đồng nhất, mịn màng bảo vệ sản phẩm, sau đó mang sản phẩm đi hấp để làm khô. Sau khi kiểm tra kỹ lưỡng về chất lượng sơn, màu sắc theo yêu cầu đạt chuẩn, các sản phẩm này mới được đưa vào sử dụng.
Ứng dụng của sơn tĩnh điện
-
Sơn tĩnh điện hiện nay là phương pháp được ưa chuộng nhất với những sản phẩm kim loại cần sơn bề mặt. Không chỉ bởi tính thẩm mỹ mà nó mang lại cho sản phẩm mà độ bền của sản phẩm cũng được nâng cao, chi phí sử dụng sơn tĩnh điện cũng cao hơn sơn thường nhưng so với hiệu quả nó đem lại cho con người thì lại không hề cao.
-
Sơn tĩnh điện được dùng để sơn nhiều đồ dùng khác nhau như: sơn các bộ phận trong ô tô, xe máy, sơn các giá đỡ, các loại tủ, các loại hộp đựng, khay,…
-
Sơn tĩnh điện có khả năng chống thấm nước, độ bền màu cao, khó phai màu, khó gỉ sét nên sản phẩm ngoài trời được bền hơn, được bảo đảm chất lượng hơn. Sơn tĩnh điện có độ đàn hồi nhất định giúp cho sản phẩm tránh bị sứt mẻ, bong tróc lớp sơn khi va đập mạnh.